Về thăm làng Vũ Đại

Về thăm làng Vũ Đại

Theo bờ sông Châu Giang, tôi tìm về làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) – quê hương của nhà văn Nam Cao – trong một ngày gió bấc chớm mùa. Những câu chuyện trong cuộc đời thật ở quê hương nhà văn Nam Cao dần gợi mở.

Khoảnh đất đẹp nhất làng Đại Hoàng bây giờ có nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao, cất giữ những ký ức của nhà văn về làng Vũ Đại – nguyên mẫu của làng Đại Hoàng, bối cảnh xuyên suốt cho những số phận bi hài trong tác phẩm của Nam Cao.

ImageView.aspx

Nhà Bá Kiến được bảo tồn

Ông Trần Hữu Vịnh – người trông coi nhà tưởng niệm Nam Cao và là cháu họ nhà văn – dẫn tôi tìm đến chứng nhân cuối cùng của “làng Vũ Đại” còn sống – cụ Trần Hữu Đạt (93 tuổi), em ruột Nam Cao. Trong căn nhà đã trăm tuổi bằng gỗ lim giữa vườn chuối ngự, ghi dấu một thời niên thiếu của anh em nhà văn Nam Cao, nghe nhắc đến nhân vật Chí Phèo, cụ Đạt khề khà: “Cái anh tên Chí này chả rạch mặt ăn vạ, tính tình có hung hăng, có đi đòi nợ thuê thật nhưng chưa đâm chém ai bao giờ”.

Câu chuyện của cụ Đạt kể về Chí Phèo ở đời thật có thể phác họa: Chí quê quán đâu không rõ, thình lình xuất hiện và sống trong cái lò gạch cũ. Ngày ngày Chí đi khuân hàng cho kẻ chợ Bến Trong, được vài xu lại mua phèo lợn nhắm rượu nên Nam Cao đặt luôn cho tên Chí Phèo. Tính cách cộc cằn, quậy phá của Chí Phèo được Nam Cao mượn thêm số phận của hai người cố cùng khác, những kẻ cũng kế thừa cái lò gạch cũ sau khi Chí bỏ làng đi phu và biệt tích.

Nhưng cho dù đã được Nam Cao gắn thêm sự lưu manh, thì ở đời thật cũng không có anh Chí nào đâm chết Bá Kiến, mà kỳ thực cụ Bá sống đến tận sau năm 1945. Nhà Bá Kiến cách nhà Nam Cao non cây số, giờ vẫn còn nguyên vẹn, đã được Nhà nước mua lại năm 1998 để bảo tồn. Ông Vịnh kể cụ Bá có 12 người con, sáu bà vợ, nay ở lại làng vẫn còn một người con, một nông dân chất phác. “Nhưng có lẽ vì tác phẩm Nam Cao phổ biến quá nên các con cụ Bá không ai muốn kể về nguyên mẫu của cha mình trong cuộc đời thực” – ông Vịnh nói.

Đi tiếp về hướng bãi sông, ông Trần Hữu Vịnh chỉ căn nhà nhỏ khuất sau những bụi chuối ngự và nói đó là nhà của ông B., con trai của Chí. Ông B. đã mất nhưng hai người con gái ông vẫn còn sống ở làng. Ở nhà tưởng niệm Nam Cao tại Đại Hoàng còn bức ảnh duy nhất về hậu duệ của Chí do nhà văn Nguyễn Thế Vinh, tác giả cuốn sách Nam Cao những mạch nguồn văn, chụp vào năm 1996. Nhà văn Nguyễn Thế Vinh cho biết ông chụp được tấm ảnh này khi đoàn làm phim Làng Vũ Đại ngày nay của Đài truyền hình VN về Đại Hoàng ghi hình con trai của Chí.

Thị Nở thật còn khó coi hơn

Ông Trần Hữu Vịnh nhớ khi còn sống, ông Phó Hộ (Trần Khang Hộ) – bạn chí cốt của Nam Cao từ ngày thơ bé – từng kể người sinh con cho Chí là một người đàn bà đã có chồng con chứ không phải Thị Nở. Vì hay đi buôn trứng từ chợ Chanh (Nam Định) về ngang lò gạch, chị này thường bị Chí chọc ghẹo và đã ngã lòng trong một đêm trăng thanh vắng chỉ có “những tàu lá chuối giãy lên đành đạch như hứng tình” như Nam Cao từng miêu tả. Sau khi mang thai và đẻ ra ông B., có tin vì xấu hổ nên người đàn bà ấy đã bỏ đi biệt tăm, bỏ lại ông B. lớn lên bằng cơm nhờ, bú thép.

Ông Vịnh kể tiếp: “Cái đêm tình tự với Chí trong cái lò gạch cũ của người đàn bà buôn trứng được Nam Cao ghép với số phận của một người dở hơi nhất làng có tên là Trần Thị Nở, mà suy theo gia phả thì nhà văn phải gọi bằng… mợ”. Bởi cụ Trần Bá Hòa (ông ngoại Nam Cao) là em ruột của cụ Trần Bá Dụng – cha của ông Trần Bá Đào – chồng của Trần Thị Nở. Các cụ cao niên ở Đại Hoàng kể Thị Nở ngoài đời có nhiều dở hơi hơn cả những gì Nam Cao viết, chỉ biết mỗi việc làm cỏ thuê cho bà ngoại Nam Cao bằng cái chép cùn, bạ đâu thì ngủ đó. Lần bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy chiếu ở làng, dù nữ diễn viên Đức Lưu vào vai Thị Nở rất đạt nhưng các cụ cao tuổi vẫn chép miệng: “Thị Nở ngoài đời còn khó coi hơn nhiều!”.

Chủ tịch xã

20 tuổi, Nam Cao đã bôn ba tận Sài Gòn, làm việc trong một hiệu may của người chú, rồi mấy năm sau lại trở ra Hà Nội làm nghề dạy học. Nhưng những trang viết của ông dường như chưa bao giờ bước ra khỏi con người và hồn quê “làng Vũ Đại”. Đó là nơi Nam Cao đã lớn lên, trưởng thành rồi ra đi và lại trở về, và trở thành vị chủ tịch xã đầu tiên sau những ngày Cách mạng tháng 8-1945. Lịch sử Đảng bộ huyện Lý Nhân còn ghi Nam Cao chính là người đứng lên phát biểu kêu gọi mọi người ủng hộ Việt minh, đứng lên phá kho thóc Nhật ở Lý Nhân. Khi chính quyền mới được lập ở Đại Hoàng, Nam Cao đã được bầu làm chủ nhiệm Việt minh, và đầu năm 1946 ông được bầu làm chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Đại Hoàng.

Đại Hoàng bây giờ nhà lầu san sát, ôtô vun vút trên đường bêtông. Cùng với nhà Bá Kiến, thứ còn sót lại từ tác phẩm là những bụi chuối ngự, được nhân giống từ chính vườn chuối mà Nam Cao lấy làm bối cảnh Chí Phèo và Thị Nở tình tự.

Hỏi cái lò gạch cũ, người cao tuổi trong làng đều nói đó không phải là cái lò gạch do Nam Cao tưởng tượng, dăm chục năm trước nó vẫn còn nằm bên bến đò sông Châu. Ông Trần Hữu Vịnh cũng xác tín điều này, bởi chủ nhân của cái lò gạch – cụ Trần Đức Bào, một thương lái đi bè có tiếng ở vùng chiêm trũng Hà Nam, chính là chồng của cụ Lý Minh, em cùng mẹ khác cha với bà ngoại nhà văn Nam Cao.

Bạn quan tâm: cá kho làng Vũ Đại lừng danh (chi tiết)

Đã 70 năm, những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… đi vào lòng độc giả, về lại “làng Vũ Đại” bây giờ không chỉ để nghe và thấy lại nguyên mẫu của những nhân vật ấy, mà còn để chứng ngộ: một mảnh làng dù bé nhỏ nhưng khi được tưới tắm, cảm nhận bằng tình yêu da diết với quê hương, cũng trở thành những mạch nguồn văn chương bất tận.

NGUYỄN VIỄN SỰ